DẠY TĂNG CƯỜNG TIẾNG VIỆT CHO HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SÔ LÀ MỘT NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG, NHẰM GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
Thực tế cho thấy rào cản lớn nhất đối với học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Điện Biện nói chung, trên địa bàn xã Nà Nhạn nói riêng đó chính là ngôn ngữ. Có thể thấy rõ học sinh người dân tộc thiểu không lợi thế như học sinh dân tộc Kinh, bởi tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ, chính vì vậy trước khi vào lớp 1 đa số các em đều chưa thể sử dụng được tiếng Việt. Một số qua lớp mầm non, được sự chăm sóc và trang bị một số kiến thức ban đầu về tiếng Việt, những kỹ năng cơ bản như nghe, nói… qua các câu hội thoại đơn giản, nhưng điều đó chưa đủ làm hành trang theo các em bước vào lớp 1.
Hơn nữa trong quá trình sinh hoạt gia đình, cộng đồng, người dân các em học sinh chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ nên khi bước ra thế giới bên ngoài, vào môi trường giáo dục tiểu học, tiếng Việt trở thành ngôn ngữ thứ hai của các em.
Là một trường Tiểu học thuộc phòng GD&ĐT huyện Điện Biên với 99,2% học sinh dân tộc thiểu số, khó khăn về nói và viết tiếng Việt của các em cũng chính là thách thức, trách nhiệm vô cùng nặng nề đặt lên vai những người thầy trong quá trình giảng dạy.
Trước khi vào học lớp 1 các em đã được học qua mẫu giáo, nhưng do quy định, thay đổi về nội dung, chương trình học thì ba năm trở lại đây các cháu học mẫu giáo chỉ được làm quen và nhận biết sơ bộ về chữ cái và số không được học cơ bản như trước đây là nhận biết, tập tô, ghi nhớ chữ cái, số.
Trong quá trình lên lớp, việc giao tiếp thông thường với thầy cô giáo của các em không chỉ khó khăn mà thậm chí là không thể. Việc nghe giảng những kiến thức về các môn học khác nhau bằng tiếng Việt lại càng khó khăn hơn. Thêm vào đó việc từ mầm non, các em bước đến môi trường học tập hoàn toàn mới, khiến tâm lý rụt rè, e sợ luôn thường trực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tiếp thu kiến thức và khơi dậy hứng thú học tập.
Nhiều giáo viên đang giảng dạy ở vùng có học sinh dân tộc cũng cho biết, thói quen trong sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ đã và đang ảnh hưởng tới học sinh khi dời trường, lớp. Dần dà các em không thể sử dụng tiếng Việt, quên ngay những kiến thức về tiếng Việt đã học trên lớp, từ đó khiến các em thụ động, thiếu linh hoạt trong giao tiếp.
Việc hạn chế tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số đã và đang làm ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình học sinh tiếp nhận kiến thức và các hoạt động học của học sinh, hoạt động dạy của giáo viên.
Bước vào lớp 1 các thầy cô lại mất một thời gian khá dài để cho các em làm quen và học lại một cách bài bản mới có thể thực hiện được chương trình học chính khóa và từ hạn chế đó dẫn tới việc tiếp thu kiến thức của các em chậm hơn so với những trẻ ở vùng thuận lợi. việc hạn chế về nghe, nói, đọc viết tiếng Việt của trẻ dẫn tới việc giao tiếp, nghe lệnh và tham gia vào các hoạt động chung của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn nhất là các hoạt động tập thể và các hoạt động giáo dục kỹ năng sống thường ngày.
Mặt khác, đối với đội ngũ giáo viên làm công tác giảng dạy trực tiếp cũng sẽ gặp khó khăn khi truyền tải kiến thức. Giáo viên nói học sinh không nghe được hết tiếng Việt không hiểu được nội dung vấn đề yêu cầu để thực hiện.
Học sinh muốn nói, trình bày ý kiến quan điểm của mình với thầy cô nhưng còn hạn chế về nói tiếng Việt và diễn đạt nội dung nên các em không tự tin để trình bày. Yêu cầu của chương trình học về nội dung và kiến thức nhiều phân môn nên dẫn tới rất nhiều khó khăn trong chuyền tải kiến thức trọng tâm.
Mất nhiều thời gian cho mỗi nội dung kiến thức cần truyền đạt để các cháu nhận biết và tiếp thu. Quá trình dạy học bắt buộc mỗi giáo viên phải tự học cho mình thêm ngôn ngữ thứ hai là tiếng dân tộc của các em để song hành nói giải thích bằng hai thứ tiếng cho các em hiểu và nhanh tiếp thu kiến thức. Thời gian, khối lượng công việc nhiều nên việc học tập thêm tiếng dân tộc của giáo viên cũng gặp phải những hạn chế.
Không để ngôn ngữ trở thành hạn chế buộc CBQL, GV phải tìm giải pháp để tăng cường tiếng Việt tối ưu tại các trường học có học sinh vùng dân tộc thiểu số giúp chất lượng giáo dục đạt kết quả tốt hơn đặc biệt của các nhà trường và giáo viên ở vùng núi, vùng cao nơi có nhiều học sinh dân tộc thiểu số sinh sống và học tập.
Nhiều thầy cô đã chỉ ra, giải pháp tối ưu để nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường đối với học sinh dân tộc thiểu số vào lớp 1 đó chính là: ngay từ cấp mầm non cần phải có sự điều chỉnh về nội dung chương trình học cho trẻ 5 tuổi như những năm trước để hỗ trợ cho học sinh có được những kỹ năng cơ bản trước khi vào lớp 1 tại những vùng miền có học sinh là dân tộc thiểu số.
Có thời gian chuẩn bị cho mỗi năm học mới đó là thực hiện chương trình tăng cường tiếng Việt theo như chương trình 36 buổi tại mỗi trường tiểu học có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cao.
Xác định việc phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số là vô cùng quan trọng. Việc hỗ trợ GV trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dạy học của gia đình chính là việc sử dụng song ngữ hợp lý trong quá trình truyền tải kiến thức đến với học sinh, nhằm đem lại hiệu quả giáo dục tốt nhất.
Đối với gia đình học sinh, cần tăng cường việc giao tiếp và nói với con bằng tiếng Việt nhiều hơn ở tại nhà. Cho các con được tham gia học tập tại các lớp Mầm non ngay khi các con đến tuổi đi học tại các cơ sở giáo dục. Quan tâm đến con em mình, phối hợp chặt chẽ với giáo viên, nhà trường để có những điều chỉnh, hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ ngay từ cấp học Mầm non. Đối với các thầy cô giáo dạy học tại các trường vùng cao đặc biệt khó khăn cần tự mình học hỏi để biết thêm nghe, nói tiếng dân tộc vùng mình làm việc.
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc không chỉ góp phần khắc phục những hạn chế rào cản về ngôn ngữ đối với trẻ mà qua đó còn từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục cho học sinh dân tộc tại các trường Tiểu học thuộc xã Nà Nhạn nói riêng, các trường Tiểu học có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm đa số thuộc phòng GD&ĐT thành phố Điện Biện nói chung.
Tác giả
Trường TH số 2 xã Nà Nhạn